Đăng bởi: BBT | Tháng Năm 26, 2018

Người Thế Hồn…Kỳ 12bis – Âm Mưu Xấu Xa, Cưỡng Đoạt Chức “Trưởng Nam Của Ông Lụy”


Truyện kỳ ảo PhamNga
NGƯỜI THẾ HỒN CHO THẦN LINH

Kỳ 12bis – Âm Mưu Xấu Xa, Cưỡng Đoạt Chức “Trưởng Nam Của Ông Lụy”

Một khi thần Biển, bằng cảm xúc hơn là lý trí, đã lao theo trò chơi ngông, lại gặp phải mẫu người lý tài và đầy khát vọng quyền lực như ông Bảy. thì bản giao ước – đáng ra rất thiêng liêng – ký kết giữa thần linh và con người vừa qua bị đe dọa biến thành một vở diễn vừa bi kịch vừa hài kịch.

Về phần ông Bảy, luôn luôn tự xếp mình trên người khác và miễn cưỡng khi thọ ơn độ trì của thần linh, làm sao ông ý thức được sự chiếu cố phá lệ của thần Biển dành cho một đối tượng thiếu xứng đáng như mình? Đối với một đứa thí sinh dốt nát, làm bài kém, nếu được chấm đậu vớt thì cũng rất hiếm khi nó biết chân thành cảm ơn giám khảo. Hay đối với một đứa con rơi, con rớt thì ít khi tiêu hóa được cho hết niềm oán hận khi được người cha trở lại nhìn nhận mình.

Nhìn chung, những cảm nhận thiếu thân thiện, suy tính đối phó một cách bội bạc… của ông Bảy đối với thần Biển đã khiến con người này, tuy vẫn là người nhưng lại mang vẻ tà ma, y một loài ngạ quĩ. Ngược lại, thần Biển lại rất con người – theo nghĩa là có nhân tính bất toàn, hạn chế, dễ rơi vào mâu thuẩn, yếu đuối, có thể hành động ở cả hai mặt đúng/sai, tốt/xấu… – khi chọn ông Bảy mà độ trì.

Về phần dân làng Bích Điệp, một khi đã thấy và biết ông chủ sở cá làng mình đã giàu có, làm ăn khấm khá từ lâu rồi, thì khi bàn luận, lý giải về những đợt lưới bội thu gần đây của ông chủ, bà con chỉ nêu lên duy nhất vai trò, tác dụng huyển hoặc của cái miếu thờ Ông – một chú cá voi thiếu niên quá cố nào đó, theo lời lão thần Nam Hải – mới được xây trên bãi cát theo lịnh ông Bảy. Không rõ ông Bảy tiếp nhận dư luận này như thế nào nhưng đúng ra, đây là một lối giải thích đầy thâm ý của ‘bọn dân đen’, ẩn chứa một định kiến đầy khinh bạc.

Theo ‘bọn dân đen’, gần đây ông Bảy trúng nhiều cá, làm ăn phát đạt thêm là nhờ hồn Ông được thờ trong ngôi miếu. Vậy, trước ngày xây miếu, ông Bảy cũng giàu rồi là nhờ ai hay điều gì?  Không thấy ai thèm bỏ công lý giải điều này. Cứ như số tài sản ông Bảy thừa kế từ cha mình nếu có phát triển thêm được chút nào chỉ là do ngẫu nhiên, tình cờ – ác khẩu mà nói thì là do chó dắt, tức không hề do điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi nào khác, chẳng hạn như: tài kinh doanh, mạng số, phúc đức tổ tiên…có thể có nơi ông Bảy. Cứ như trước ngày Ông lụy, người trưởng nam của Ông chỉ là một trọc phú quê mùa, vô danh tiểu tốt, tài làm ăn chẳng có gì đáng nói.

Cần xem lại đoạn phim – rất giả tạo, vô duyên – mấy ông chức sắc, bô lão làng chài Bích Điệp làm lễ tấn phong ông chủ sở cá vào chức “trưởng nam” của Ông Lụy.

Vào buổi hừng động định mạng ấy, sự thật là một chị đàn bà nghèo khó đã bất ngờ nhìn thấy xác Ông từ ngoài khơi trôi vào, nằm dài trên bãi cát, khi chị tha thẩn đi tìm, lượm thứ gì đó còn giá trị trôi vào từ biển cả. Rồi chị ta chạy u về nhà, báo cho chồng biết chuyện, tức thầm lặng nhường lại cho chồng mình địa vị người đầu tiên nhìn thấy xác Ông. Rồi chồng chị, đã là ngư dân, gã bạn này cũng dư biết tục lệ của ngư dân đối với người đầu tiên nhìn thấy Ông Lụy, nhưng gã lại chạy đi báo trực tiếp với ông chủ Bảy. Gã bạn làm việc này chỉ với ý định là để cho chủ mình ra xem mà xử lý sự việc, chứ không phải gã có ý nhường lại cho ông chủ – người thứ ba theo thứ tự những người nhìn thấy xác Ông – cái danh dự lớn lao mà cộng đồng ngư dân sắp tôn vinh.

Vậy mà, dù bằng kênh thông tin này, khác mà đã nắm rõ diễn tiến sự việc, mấy lão chức việc trong làng vẫn tôn ông chủ làng – ông Bảy nắm chức này thay cho cha mình – đồng thời là ông chủ sở lưới, vào danh vị trưởng nam của Ông, y như kỳ án đánh tráo thái tử sơ sinh trong một tuồng hát bội mà ai cũng biết.

Bất công, cay đắng hơn cho gã bạn chài, chính ông chủ Bảy cũng lẳng lặng không nói ra sự thật trước mọi người để trả lại công bằng cho kẻ tôi tớ của mình. Trước mặt dân làng, ông chủ thản nhiên quấn đầu rơm mủ bạc, thể hiện cái vai con trai trưởng để tang “cha”.

Danh giá, chức hiệu này, khác đúng là thứ ông nhà giàu này từng chính tay mình bỏ công của ra tìm kiếm để tô vẻ thêm cho số tài sản vật chất kếch xù của mình. Nhưng riêng về cái danh vị “trưởng nam” của Ông lụy, ông Bảy có được mà không tốn giọt mồ hôi nào, đó là ông chỉ cần kín miệng, không tiết lộ chuyện gã bạn đã báo cho mình tin Ông lụy và để mấy lão chức việc trong làng trấn lột cái dịp may bằng vàng ấy từ kẻ nghèo khổ ấy rồi đem dâng cho ông chủ như một trò nịnh bợ, lấy lòng.

Sự việc còn tác tệ hơn khi bàn theo cách nhìn siêu hình. Hẳn là có một ban bệ thần linh nào đó, đã ngồi họp trên chín từng mây – hay ngược lại, có thể là ở mấy vạn dặm dưới đáy biển – tuân theo mệnh Trời mà thảo ra quyết định thiêng liêng chọn vợ/chồng gã bạn chài làm con trưởng của Ông cai quản biển đảo Hải Nàm, khiến khi hồn một thần Biển được lịnh triệu hồi, xác Ông chỉ trôi dạt đến đúng vị trí đã được chư thần sắp đặt, nghĩa là phải xuất hiện ngay trước mắt cặp vợ chồng này. Nhưng chính bọn phàm nhân đã làm sai lệch mệnh Trời bằng liên tiếp hai hành động nghịch đạo, phá rối sự xếp đặt của chư thần. Một là gạt bỏ chị vợ gã bạn chài, tức phế hạ nữ giới – bao hàm tiềm năng trở thành tiên nữ trên tiên giới – ra khỏi vị trí ứng viên con trưởng, tức trưởng nữ của Ông.  Hai là gạt bỏ luôn gã bạn chài, tức ứng viên dự khuyết chấp-nhận-được theo ý chư thần, vì dù là trúng vô vợ hay chồng, gia đình này cũng đang quá khốn khó, xứng đáng được gia ơn, nâng đỡ cho đổi đời.

Thiên mệnh còn bị sai lạc ở một điểm khác. Đó là về phần hậu vận của người đầu tiên trông thấy Ông lụy. Rằng trong suốt ba năm để tang Ông, trưởng nam sẽ phải chịu cảnh nghèo kiết xác, mãn tang Ông rồi thì người đó mới được giàu sang, phú quí, con cái đời sau cũng quyền quí, cao sang. Nhưng chư thần và người phàm đều biết rõ, khi chức danh “trưởng nam” do bị cưỡng đoạt mà lọt vào tay ông Bảy, thì ông ta đã giàu có sẵn rồi.

Mạng Trời đã mất tác dụng thì còn có quyền năng nào đủ sức treo lơ lửng khối của cải của ông Bảy trong ba năm tang khó, buộc ông phải nghèo đi chút đỉnh cho thấy, để rồi sau đó lại cho ông tiếp tục làm giàu?

Mặt khác, ở cõi trần này ít ai có thể cẩn thận, chu đáo như ông chủ phường lưới Bích Điệp.Vào đêm trước ngày cử hành lễ tang Ông lụy, đồng thời sẽ xướng danh người trưởng nam của Ông, ông Bảy đã cho vời gã bạn chài. Ông chủ đằng hắng, trao mấy đồng tiền cho tên làm công mà ông không thể nào nhớ nổi tên tuổi của hắn:

“Được lắm. Vợ chồng bây tốt, biết mau chưn mau cẳng chạy phụ lo chuyện Ông lị ở làng mình. Đây, mấy đồng thưởng bây, cho đi uống rượu, và nhớ đưa con vợ bây mua gạo, mắm. Bây làm cho tao lâu chưa?”.

“Dạ, bẩm ông thợ, con làm được bốn năm rồi, từ hồi cụ quan lớn còn…”.

Ông chủ lập tức ngắt lời thằng bạn lưới, chỉ do vừa nghe nó vô tình nhắc tới cha của ông:

“Thôi, thôi được rồi. Đám bạn bây đông quá nên tao không nhớ đứa nào. Thôi để tao biểu thằng thư ký chuyển bây qua phường Hòn Khô, có mấy chiếc ghe mới đóng mà chưa đủ bạn, công việc nhiều hơn nên mùa nào, chuyến nào bây cũng được theo ghe hết. Sống sẽ khá hơn ở đây con à. Vợ chồng bây chuẩn bị dọn qua bên đó, nghe chưa hử?”.

Vậy là hai chứng nhân, hai ứng viên hụt vào danh vị trưởng nam của Ông đã được sắp xếp cho khỏi có mặt ở tang lễ của Ông, cũng như từ đây về sau, khỏi có mặt ở làng Bích Điệp này.

Có người còn cho rằng, trên cõi thần cũng có những thủ đoạn giàn xếp không khác cõi trần. Hiển nhiên đã có một thế lực mạnh mẽ, độc đoán nào đó, âm thầm dọn đường cho ông Bảy nhà giàu nắm được danh vị trưởng nam của Ông, và không chừng kiếp trước của ông Bảy có thể thuộc dòng con-ông-cháu-cha trên cõi thần, theo quan hệ với thế lực cố cựu nghìn năm ấy.

Do đó, chuyện tiếp theo là khi đến với ông Bảy, thần Biển Nam Hải cũng phải nể nang thế lực này, không hề dám đề cập với đối tác về những tình tiết tiền định khó hiểu, trái qui luật của chư thần, đã tạo cơ hội cho ân sủng từ-biển-trôi-vào lọt vào tay ông chủ sở cá Bích Điệp.

Đó là chuyện thần quyền bị lủng đoạn trên cõi thần, còn ở cõi người, bọn phàm nhân chỉ chắc lưỡi, nhận xét là “nước chảy chỗ trủng”. Câu tục ngữ nhân gian, dân dã đã quá chính xác cho trường hợp của ông chủ Bảy. Đã nói là ông đã giàu sẵn từ lâu rồi. Mĩa mai hơn, dù cho quyết định thiêng liêng về chức phận “trưởng nam” của Ông Hải Nàm có bị thi hành sai lạc thì hồ sơ trên cõi thần cũng đã xếp lại, của cải vẫn tiếp tục chảy vào túi ông Bảy do Ông Nam Hải đương chức đương quyền đã chọn phò độ cho ông Bảy như một trò giải khuây của thần.

Đầy vẻ tự mãn của một thí sinh đậu vớt – rất đáng bị đánh rớt nhưng có thế lực ngầm nên không thể nào rớt bảng, trong ngày làm lễ tang Ông, ông chủ Bảy khuyến khích bà con dân làng ráng trườn bò trên cát, chui qua dưới gầm cái quách gỗ khổng lồ không cần nắp đậy, chứa bộ hài cốt cá voi sau nghi thức hỏa thiêu. Lý do là theo tin tưởng từ truyền thống xa xưa, cứ chui dưới cốt Ông như vậy thì người ta sẽ được mạnh giỏi, sức khỏe khang cường.

Nhưng cái cách ông Bảy Ân ân cần, khuyến khích mọi người chui dưới cốt Ông lại có ý nghĩa hơi khác, rằng: “Bây không thể nào được Ông độ cho giàu như ta đây thì hãy tạm bằng lòng với sức khỏe mạnh giỏi đi, cũng do Ông độ vậy.

Đó cũng là thâm ý của ông chủ Bảy, để cho người khác, cả làng Bích Điệp cùng hồ hỡi, phấn khởi với ông mà quên đi chuyện này, chuyện nọ.

Tro cốt, cát biển, gió khơi, sóng cồn cũng câm nín thiên thu, chẳng buồn tiết lộ cho thế gian chuyện gì…

Cuối mùa gió thổi năm đó, chiếc ghe chỉ huy của ông Bảy đã gặp sóng dữ bất chợt nổi lên trong lúc từ luồng cá ngoài khơi quay trở vô đảo. Nhưng ông Bảy đã thoát khỏi cơn phong ba khốc liệt, toàn mạng trở về bờ.

“Đúng là Ông độ. Có một cái bóng đen dài lắm, lớn lắm, kê mình vô gầm ghe, đỡ cho ghe khỏi bị lật úp…”

“Thì Ông đó chớ cái bóng cái báng gì nữa! Ông lớn cỡ bao nhiêu, dài lắm hả?”

“Lúc đó sóng dữ lắm, đảo điên hết, ai nấy sợ mất hồn nên không để ý. Nhưng chắc dài bằng chiếc ghe…Chắc dài bằng Ông lị năm ngoái. Mà hỏi gì nữa?  Đúng là hồn Ông dứa làng mình đang thờ đã kêu Ông khác đến độ cho ông Bảy mình”

Trong những lời kể của những bạn chài cùng đi trên chiếc ghe bị trúng bão, rồi những lời nhận xét, bình luận của dân làng, người ta lại đề quyết rằng, giữa cộng đồng cá voi còn sống ngoài biển khơi và hồn linh của con cá voi đã chết rồi bộ cốt được thờ trong miếu từ năm ngoái, đã có những mối thông tin – liên lạc bí ẩn, miễn sao có thể cử ra một “bóng đen” kịp thời có mặt trong cơn bão. Tất cả là để cứu độ ông Bảy, trưởng nam của Ông, thoát chết trong cơn bão bất ngờ ấy.

Riêng ông Bảy, nhân vật chính trên sân khấu biển cả, trong vở kịch gay cấn, bi tráng có chủ đề nói về thân phận con người trước sức mạnh mù quáng của thiên nhiên, đã trầm ngâm trong nhiều ngày sau đó. Ông để yên cho dân làng sống với suy nghĩ sai lầm nặng nề, thảm thương rằng, qua việc ông tổ chức thờ phượng con cá voi dứa chết trên cạn năm ngoái, ông đã được hồn cá voi ân thưởng hay báo đáp gì đó. Xưa nay, trên suốt bề dài của bờ biển đất nước này, đã không ai thống kê được chính xác là có bao nhiêu ngôi miếu, ngôi đền lớn, nhỏ đã được người dân các vùng duyên hải dựng lên để thờ những xác con cá voi nào tắp vào bờ. Đó là mối quan hệ tâm linh, qua lại giữa một bên là những xác cá voi/hồn Ông và một bên là những ngư dân kính thờ xác, tro cốt cá voi.

Vậy mà, cũng suốt trong không biết bao nhiêu trận bão biển hằng năm, vô số ngư dân đã bị biển cả lấy mạng, trong đó có cả những chủ phường lưới, những bạn chài đã cúc cung tin tưởng và thờ phượng xác cá voi không thua gì ông chủ sở cá Bích Điệp. Thậm chí, những người chết vì biển này còn có lòng kính tín đối với các Ông của họ chân thực hơn nhiều so với mức tin tưởng của ông Bảy dành cho Ông “thiếu niên” Hải Nàm. Và hẳn là, dù là có thật đi nữa, việc cứu độ của những cá voi còn sống hay hồn những Ông lụy nhiều khi cũng không hiệu quả, khiến nhiều ngư dân vốn thờ tận tụy thờ các Ông lụy đã không thoát chết, như cùng lúc với vụ ghe ông Bảy vừa bị nạn trong vụ bão, một số ngư dân khác, ở một ghe khác cũng mất tích.

Như thế, thực thể ngoài biển khơi nào đã cứu ghe ông Bảy phải là một thế lực siêu hình bí ẩn, chứ không phải là các hồn Ông quen thuộc với giới ngư dân. Khi cho rằng chính Ông dứa đang được thờ tại làng đã trực tiếp hay gián tiếp cứu độ cho “trưởng nam” của mình thì quả là kiểu lý giải của dân làng chài Bích Điệp quá nông cạn và phiến diện.

Còn ông Bảy thì nhất định im lặng. Không việc gì ông chủ sở lưới Bích Điệp phải thành thật tự giải minh theo đúng sự thật, rằng chẳng qua là ông đã chịu thế hồn cho thần Biển để được nhận lại là tài lộc và bình an, nên hoàn toàn không phải do Ông dứa được thờ trong miếu mà là do Ông Nam Hải đương nhiệm đã ra tay cứu độ, ông Bảy mới được toàn mạng trong trận bão dữ vừa rồi.

(Còn tiếp)

 

*Đón xem:

Kỳ 13 –  Ông Chủ Lấy Thêm Vợ Nhỏ, Vi Phạm Giao Ước Với Thần Biển.


Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Chuyên mục